Thứ năm, Tháng mười hai 26, 2024
spot_img
HomeCigar lifeCâu chuyện Xì gà Cuba

Câu chuyện Xì gà Cuba

Fidel Castro và điếu xì gà quen thuộc

Từ “xì gà” trong tiếng Việt được phiên âm từ “cigar” của tiếng nước ngoài, bắt nguồn từ tiếng nguyên thủy “sikar” trong ngôn ngữ Yucatec của người Mayan có nghĩa là hút, khói. Sau đó nó được chuyển thành “cigarro” trong tiếng Tây Ban Nha nghĩa là “thuốc lá”.

Những người thổ dân châu Mỹ đã có thói quen hút xì gà từ thời tiền sử, họ sử dụng xì gà như một lễ phẩm trong các buổi tế lễ thần linh và lá xì gà như một loại thuốc an thần hay có thể pha làm đồ uống cho người ăn kiêng.

Năm 1492, Christopher Columbus tìm ra châu Mỹ và những người Tây Ban Nha đã nhanh chóng làm quen với điếu xì gà qua những người thổ dân. Nhưng phải đến hơn 100 năm sau những hạt giống xì gà đầu tiên mới du nhập châu Âu bởi một nhà sử học người Tây Ban Nha. Từ đó việc trồng, sản xuất và sử dụng xì gà mới lan rộng ra toàn lãnh thổ châu Âu, đặc biệt là tại Tây Ban Nha, Anh và Pháp. Ngay lập tức xì gà chiếm được một vị trí quan trọng trong đời sống của giới thượng lưu và được coi như một món đồ “trang sức” không thể thiếu đối với họ.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, việc trồng và sản xuất xì gà được tổ chức quy mô, công nghiệp hơn ở ngay các nước thuộc địa của Tây Ban Nha và Anh.

Tại châu Á, những điếu xì gà đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc và Nhật Bản bởi những thủy thủ Bồ Đào Nha vào thế kỷ XVI, sau đó được trồng ở Nga, Thổ Nhĩ Kỳ lan rộng sang châu Phi và Ai Cập vào thế kỷ XVII.

Ngày nay, xì gà được trồng và sản xuất với quy mô lớn ở Brazil, Cameroon, Cuba, Cộng hòa Dominicana, Mexico, Honduras, Nicaragua, Indonesia, Philippines. Mỗi nước có một đặc điểm địa lý, tự nhiên và công thức khác nhau sẽ cho ra đời nhiều loại xì gà khác nhau nhưng ngon nhất, nổi tiếng nhất vẫn là xì gà Cuba với mùi vị đặc trưng mà không một loại xì gà nào khác có được.

Cuốn xì gà tại xưởng Cuba của công ty Habanos S.A

Để cho ra đời một điếu xì gà đạt tiêu chuẩn là cả một công việc đòi hỏi tính cẩn thận cao và rất nhiều kinh nghiệm.

Công việc trồng xì gà được bắt đầu vào hai tháng nóng nhất trong năm là tháng 6, 7 và kéo dài 9 tháng. Đầu tiên là việc chuẩn bị đất để gieo hạt. Khu vực miền Tây Cuba là nơi có đất tốt nhất để trồng xì gà.

Trước khi gieo hạt, đất phải được cày bừa tơi nhiều lần và bắt buộc phải cày bằng trâu để tránh nén đất. Sau đó hạt được gieo và phủ rơm lên trên, khi hạt nảy mầm sẽ được cấy cho đến khi đạt đến chiều cao nhất định thì sẽ được ngắt mầm để tập trung cho việc phát triển lá.

Sau 40 ngày lá có thể được thu hoạch, nhưng mỗi một cây chỉ được phép ngắt 2-3 lá, khi ngắt lá phải ngắt từ dưới lên trên, lá bé được ngắt trước và chúng được sử dụng để làm những điếu xì gà mini. Sau mỗi lần ngắt lá như vậy lại phải đợi thêm một vài ngày mới có thể tiếp tục, việc thu hoạch lá xì gà ở mỗi cây có thể kéo dài đến cả tháng.

Để cuốn được một điếu xì gà cần hai loại lá: Lá cuốn ngoài cùng là loại lớn, mỏng và được trồng trong nhà. Lá liên kết và lá làm lõi được trồng ngoài trời, tuy là cùng một cây nhưng lại có đặc điểm khác nhau tùy theo vị trí của lá trên cây.

Kể từ lúc lá được thu hoạch cho đến khi đạt tiêu chuẩn có thể dùng để cuốn xì gà, lá thuốc sẽ phải trải qua một quy trình khác gồm 6 giai đoạn, những giai đoạn này sẽ quyết định hương vị, chất lượng của điếu xì gà, do đó sự cẩn thận, tỉ mỉ đến từng li và kinh nghiệm lâu năm của người nông dân là rất cần thiết.

Lá thuốc sau khi thu hoạch sẽ chuyển đến kho sấy. Kho sấy xì gà được làm bằng gỗ có mái lợp bằng lá cọ khô – một loại cây đặc trưng và có rất nhiều ở Cuba.

Sau khi được chọn lọc kỹ lưỡng, lá thuốc được buộc thành từng cặp bằng một loại chỉ đặc biệt lên những dàn gỗ trong kho, những lá đã khô sẽ được chuyển lên cao hơn. Người ta phải thường xuyên kiểm tra nhiệt độ và độ ẩm trong kho để đảm bảo chất lượng của lá. Những lá để làm vỏ ngoài được hạ xuống vào buổi sáng sớm khi nhiệt độ chưa cao để tránh gãy lá.

Khi lá thuốc đã khô, người nông dân bắt đầu giai đoạn cho lên men, lá được buộc thành từng bó 30-50 lá và phủ vải bên ngoài, từng bó lá sẽ được đặt vào những thùng phuy bằng gỗ.

Đây là quá trình lên men tự nhiên kéo dài trong 30 ngày. Nhiệt độ trong nhà sẽ được kiểm tra thường xuyên, nếu cao quá 35 độ thì thùng phuy sẽ bị bỏ đi, lá thuốc được lấy ra lau và để thoáng gió sau đó sẽ được lên men trong một thùng khác.

Lá xì gà đang được xử lí làm khô trước khi đưa vào ủ lên men

Do nhiệt độ giữa đống lá thuốc tăng cao, hơi ẩm, nhựa, nicotin và chất ammonia được giải phóng dần. Nếu lên men ở nhiệt độ cao hơn sẽ làm cho lá có màu đậm hơn, hương vị đậm và gắt hơn, còn nếu nhiệt độ quá cao sẽ làm hỏng lá thuốc. Trong quá trình lên men này, các bó lá thuốc sẽ được đảo từ dưới lên trên, được làm ẩm bằng hơi nước nếu cần thiết.

Đây là quá trình quan trọng, quyết định chất lượng của điếu xì gà. Lá thuốc lên men chưa đủ sẽ làm điếu xì gà hay tắt và có vị đắng rất khó chịu. Ngược lại nếu lên men quá lâu sẽ làm cho điếu thuốc trở nên nhạt nhẽo.

Sau khi được lên men lần thứ nhất, lá thuốc sẽ được chọn lọc qua ba tiêu chí: kích thước, màu của lá và kết cấu để sử dụng vào những mục đích khác nhau. Ví dụ như lá để cuốn bên ngoài cùng sẽ được quan tâm đặc biệt.

Những lá lớn nhất, tốt nhất được dùng để làm lá liên kết phần lõi thuốc. Lá liên kết có tác dụng tạo ra hình dáng của điếu xì gà.

Lõi thuốc được tạo thành bởi ba loại lá: phần trong cùng của lõi làm từ những lá thuốc được hái từ ngọn cây, cháy chậm và là điểm nhấn trong hương vị của điếu xì gà. Loại lá thứ hai được hái từ phần giữa của cây, hương vị của thuốc có được là nhờ loại lá này. Ngoài cùng là lá dẫn lửa tốt, được hái ở phần thấp nhất của cây.

Sau giai đoạn chọn lọc, lá thuốc làm lõi và liên kết chuẩn bị để lên men lần thứ hai.

Giai đoạn lên men cuối cùng này được thực hiện cẩn thận hơn, thời gian lâu hơn và cách thức cũng khác. Từng bó lá sẽ được xếp chồng lên nhau trên những kệ bằng gỗ, bên trên được phủ lá palma. Giai đoạn này kéo dài 1-3 tháng, tùy theo loại xì gà sẽ được sản xuất

Trong giai đoạn này, bất cứ một sơ xuất nào cũng có thể làm hỏng toàn bộ số lá đã được kỳ công lựa chọn, quan trọng nhất là độ ẩm để lá có thể lên men tốt. Hằng ngày từng chồng lá sẽ được phun một lượng nước nhất định để duy trì độ ẩm, bước cuối cùng là rũ lá và chuyển sang khu làm thoáng. Tại đây lá thuốc được treo 4-5 tiếng với độ ẩm là 95%.

Trước khi được dùng để cuốn, lá thuốc sẽ được tách sống. Lá thuốc được xếp chồng lên nhau theo kích thước lớn, nhỏ; những lá đã hỏng sẽ được dùng làm lõi. Lá cuốn ngoài cùng sẽ được tách toàn bộ phần sống lá, còn lá liên kết sẽ chỉ tách một phần tư.

Để tách được sống lá, người thợ thủ công sẽ dùng một miếng kim loại có hình chiếc móng tay nhẹ nhàng tách sống và kéo rời ra khỏi lá, làm sao cho lá thuốc không bị rách. Tách sống xong, lá thuốc sẽ được xếp thành từng bó 25 chiếc và được ép phẳng.

Giai đoạn cuối cùng là cuốn thành điếu xì gà hoàn chỉnh. Đây là cả một nghệ thuật và được thực hiện bởi những nghệ nhân.

Để trở thành một nghệ nhân cuốn xì gà, đầu tiên họ phải thử việc 2 năm. Nếu được đánh giá tốt sau khi thử việc, họ phải làm thêm ít nhất là 6 năm nữa để nắm vững kỹ thuật và học về xì gà. Quá trình đào tạo nghệ nhân cuốn xì gà có thể kéo dài tới 20 năm.

Mỗi một nghệ nhân có thể cuốn 60-100 điếu xì gà mỗi ngày, tùy theo kích thước. Họ cũng được trả lương cao hơn các lao động khác, ngoài ra được thưởng 2 điếu xì gà hảo hạng mỗi ngày.

Ở Cuba hiện nay hầu hết những nghệ nhân cuốn xì gà là phụ nữ vì sự khéo léo. Có câu chuyện vui về xì gà ở Cuba, những điếu xì gà có được hương vị đặc biệt là do được cuốn trên đùi của những thiếu nữ tuổi từ 15 đến 18 và những chiếc lông tơ đã bám vào lá xì gà tạo nên mùi thơm quyến rũ.

Trong lịch sử, có ba nhân vật được xem là nghiện xì gà Cuba nặng nhất, đó là Chủ tịch Fidel Castro, Che Guevara và cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill.

Người du kích anh hùng Che Guevara biết hút xì gà khi ông chiến đấu cùng Chủ tịch Fidel Castro ở dãy núi Sierra Maestra năm 1956, mặc dù là người có tiền sử hen suyễn nặng.

Đầu tiên ông chỉ hút xì gà vụn bằng tẩu, nhưng sau đó chuyển sang hút cả điếu. Một ngày ông hút 3-4 điếu, ông đùa rằng khói xì gà Cuba sẽ đánh thức “con rồng” đang ngủ trong ngực ông.

Che Guevara cho rằng xì gà của Cuba và trà của Argentina là món quà trời cho. Khi còn là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, các đồng nghiệp của ông bảo ông rằng hút xì gà có hại cho sức khỏe. Ông đồng ý chỉ hút 1 điếu xì gà mỗi ngày và hôm sau ông xuất hiện với điếu xì gà dài gần… 1m?

Để làm ra một điếu xì gà là cả một quy trình rắc rối, nhưng hút được một điếu xì gà cũng là cả một “nghệ thuật” mà chỉ những người nghiện xì gà thật sự mới biết.

Điều quan trọng nhất khi hút xì gà đó là người hút phải có tâm trạng thảnh thơi, phải biết nhẫn nại mới thưởng thức và cảm nhận được hương vị độc đáo của nó. Đồng thời cũng cảm nhận được cái thú vui, niềm đam mê, phong cách sống lịch lãm và những cảm giác thư giãn, say đắm nồng nàn từ điếu xì gà.

Thậm chí còn phải biết cách châm thuốc sao cho đúng, để nhìn đầu thuốc thì có vẻ như tắt nhưng thực ra bên trong vẫn đang cháy. Muốn châm được như vậy phải có bật lửa khò, đốt nhanh và mạnh làm điếu thuốc cháy vào đến bên trong.

Hút xì gà không như hút thuốc lá, không phải hít khói vào trong phổi, như thế có hại cho sức khỏe. Xì gà thì ngược lại, hút xì gà chỉ rít khói và ngậm trong vòm miệng sau đó nhả khói từ từ để cảm nhận cái hương thơm, mùi vị đặc biệt.

Đã hút xì gà là phải biết chơi xì gà, người nghiện xì gà không thể bỏ qua hai món “đồ chơi” quan trọng, đó là dao cắt và bật lửa khò. Để thưởng thức trọn vẹn điếu xì gà, người hút nên uống kèm một chút rượu cognac, whisky hoặc rượu rum Cuba.

Các nước phát triển trên thế giới có số lượng người hút xì gà nhiều nhất chiếm tới 65%. Tính đến năm 2010, trên thế giới có 1,3 triệu người hút xì gà tăng 1,5% so với năm 1998.

Cuba là nước sản xuất xì gà chất lượng nhất thế giới và cũng là quốc gia duy nhất còn làm xì gà bằng những phương pháp thủ công từ cách đây 200 năm. Từ thế kỷ thứ XVIII thế giới đã phải công nhận xì gà Cuba có chất lượng hàng đầu.

Ở Cuba, công ty duy nhất được phép của chính phủ kinh doanh xì gà là Habanos S.A. Xì gà Cuba được xuất ra hơn 150 nước trên thế giới chiếm 35% và mỗi năm hơn một trăm triệu điếu xì gà Cuba được đưa ra thị trường, mang lại doanh thu 401 triệu USD.

Hiện nay tại Cuba có hơn 27 loại xì gà nhưng nổi tiếng nhất là Cohiba, MonteCristo, Partagas, Romeo & Julieta. Theo ông Walfrido Hernandez, Giám đốc Công ty Habanos S.A thì năm 2012 là một năm thành công đối với xì gà Cuba.

Vua Xì Gà

Nội dung liên quan

Trải nghiệm Trinidad Fundadores

Bài mới nhất

Recent Comments